fbpx

Hợp âm màu trong đệm hát piano

Khi đã học đệm hát piano cơ bản, người học muốn học nâng cao sẽ phải chơi được âm giai, các hợp âm màu. Trong bài viết này, LED Play sẽ hướng dẫn cách chơi hợp âm màu cho thêm phần ấn tượng.

Hợp âm màu là những hợp âm có cấu tạo khác với hợp âm cơ bản. Đối với người chơi piano cơ bản, hợp âm trưởng và hợp âm thứ là 2 loại hợp âm dễ nhớ và dễ sử dụng và dùng nhiều nhất trong các bài hát. Bên cạnh đó, còn có hợp âm màu trong đệm hát piano nhạc nhẹ (Pop-ballad), dùng để tạo thêm màu sắc cho các bài hát phổ biến như: hợp âm sus4, hợp âm sus2, hợp âm major7, hợp âm 7.

Trong bài viết này LED Play sẽ giúp mọi người nắm được cấu tạo và cách dùng của những hợp âm màu này. Đa số các hợp âm này áp dụng cho hợp âm trưởng (thường mang màu sắc tươi một chút), và dùng cho thế dậm nhịp ở tay phải trong đệm hát piano là chủ yếu. Khi ứng dụng những hợp âm này cho kiểu chơi dậm nhịp, tay trái sẽ giữ nguyên thế bấm của hợp âm trưởng/hợp âm thứ, tay phải sẽ dậm theo thế hợp âm màu.

Trong âm nhạc, ngoài những hợp âm thông thường như hợp âm 3 trưởng, 3 thứ, và hợp âm bảy át, người ta thường sử dụng loại hợp âm Sus2 và Sus4 để thêm sự phong phú và đặc biệt vào các hợp âm. Cả hai loại hợp âm này mang lại một “hương vị” mới và một cảm giác thú vị khi chúng ta thực hiện các tiết tấu và chuyển đổi âm nhạc.

Khi bạn phải chơi một hợp âm nhiều lần, việc sử dụng hợp âm Sus2 và Sus4 sẽ làm tăng thêm sự độc đáo và gia vị cho bản nhạc.

Để hiểu rõ hơn về hợp âm Sus, trước hết chúng ta cần tìm hiểu cách thành lập các hợp âm cơ bản, đặc biệt là hợp âm 3 trưởng và hợp âm 3 thứ.

Hợp âm ba trưởng: Hợp âm ba trưởng được tạo ra từ hai quãng ba chồng lên nhau. Quãng ba thứ nhứt là quãng 3 trưởng (2 cung), và quãng 3 thứ hai là quãng 3 thứ (1,5 cung).

Ví dụ: Để thành lập hợp âm Do trưởng (C), chúng ta lấy các nốt I, III và V. Ở đây, bậc I và bậc III tạo thành quãng 3 trưởng, trong khi bậc III và bậc V tạo thành quãng 3 thứ. Do đó, hợp âm Do trưởng bao gồm các nốt Do-Mi-Sol.

Hợp âm ba thứ: Hợp âm ba thứ cũng được tạo ra từ hai quãng ba chồng lên nhau, nhưng với thứ tự ngược lại so với hợp âm ba trưởng. Nó bao gồm quãng ba thứ trước, sau đó mới đến quãng ba trưởng.

Ví dụ: Để thành lập hợp âm La thứ (Am), chúng ta lấy các nốt I, III và V. Ở đây, bậc I và bậc III tạo thành quãng 3 thứ, trong khi bậc III và bậc V tạo thành quãng 3 trưởng.

Tổng kết các quy tắc của hợp âm màu:

  • Sus4: 1 – 4 – 5
  • Sus2: 1 – 2 – 5
  • Hợp âm 7: 1 – 3 – 5 -7 (nốt 7 cách nốt gốc 1 cung)
  • Hợp âm major7: 1 – 3 – 5 – 7 (nốt 7 cách nốt gốc 1/2 cung)

HỢP ÂM SUS4

Cấu tạo: nốt gốc – nốt thứ 4 – nốt thứ 5 (nốt thứ 4 và nốt thứ 5 cách nhau 1 cung)

*** Ví dụ: Csus4 = C (nốt gốc) – F (nốt thứ 4) – G (nốt thứ 5)

Cách dùng: làm màu trước khi về hợp âm trưởng cùng tên. Ứng dụng trong đệm hát piano, cho thế dậm nhịp tay phải, nếu hợp âm C ngân dài tới 4 nhịp thì có thể chơi 2 nhịp đầu dậm hợp âm Csus4 sau đó 2 nhịp sau dậm hợp âm C >> giúp thay đổi màu sắc khi dậm nhịp cho bài hát.

HỢP ÂM SUS2

Cấu tạo: nốt gốc – nốt thứ 2 – nốt thứ 5 (nốt thứ 1 và nốt thứ 2 cách nhau 1 cung)

*** Ví dụ: Csus2 = C (nốt gốc) – D (nốt thứ 2) – G (nốt thứ 5)

Cách dùng: tương tự hợp âm sus4, dùng làm màu trước khi về hợp âm trưởng cùng tên. Ứng dụng trong đệm hát piano, cho thế dậm nhịp tay phải, nếu hợp âm C ngân dài tới 4 nhịp thì có thể chơi 2 nhịp đầu dậm hợp âm Csus2 sau đó 2 nhịp sau dậm hợp âm C >> giúp thay đổi màu sắc khi dậm nhịp cho bài hát.

HỢP ÂM MAJOR7 (M7)

Cấu tạo: nốt gốc – nốt thứ 3 – nốt thứ 5 – nốt thứ 7 (nốt thứ  và nốt gốc cách nhau 1/2 cung)

*** Ví dụ: CM7 (C Major7) = C (nốt gốc) – E (nốt thứ 3) – G (nốt thứ 5) – B (nốt thứ 7 cách nốt gốc 1/2 cung)

Cách dùng: thay thế cho hợp âm trưởng cùng tên nếu muốn màu sắc của bài hơi theo hướng Blue hoặc dùng trước khi về lại hợp âm trường cùng tên. Ứng dụng trong đệm hát piano, cho thế dậm nhịp tay phải, nếu hợp âm C ngân dài tới 4 nhịp thì có thể chơi 2 nhịp đầu dậm hợp âm CM7 sau đó 2 nhịp sau dậm hợp âm C, hoặc một bài hát giọng trưởng (thường là bài hát Slowrock) chơi các hợp âm trưởng thành Major7 để tạo màu sắc Blue >> giúp thay đổi màu sắc khi dậm nhịp cho bài hát.

HỢP ÂM 7

Cấu tạo: nốt gốc – nốt thứ 3 – nốt thứ 5 – nốt thứ 7 (nốt thứ 7 và nốt thứ gốc cách nhau 1 cung)

*** Ví dụ: C7 = C (nốt gốc) – E (nốt thứ 3) – G (nốt thứ 5) – Bb (nốt thứ 7 cách nốt gốc 1 cung)

Cách dùng: thường là hợp âm dùng trước khi kết bài hoặc kết thúc một đoạn hát để về lại hợp âm chủ của bài hát. (Ví dụ bài hát giọng C, trước khi kết thúc bài/ kết thúc đoạn hát để về lại C, ta sử dụng hợp âm 7 cho hợp âm bậc V của C – là hợp âm G7 >> C).

Hoặc dùng làm màu ở bất kì chỗ nào trong bài hát (Ví dụ: nếu muốn về hợp âm F, thì hãy khoan chơi thẳng vào F mà chơi hợp âm 7 cho hợp âm bậc V của F trước,  là hợp âm C7 >> F).

Hy vọng bài viết này hữu ích với mọi người, đặc biệt là người đã biết chơi piano đệm hát cơ bản, có thể thêm hợp âm màu để làm phong phú, thêm màu sắc cho bài đệm hát của mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *